Nhân dịp năm mới này, Website Địa điểm du lịch Nhật Bản xin được chia sẻ cùng Quý khách câu chuyện về cách chuẩn bị quà tặng năm mới rất công phu và tuyệt vời của người Nhật Bản.
Kính mong rằng sau chia sẻ này, Quý khách sẽ có thêm được những gợi ý để chuẩn bị những món quà tặng độc đáo của Nhật Bản cho những người mình thương mến.
Tại Nhật Bản, việc tặng quà từ lâu đã trở thành một thói quen thông thường, không cần phải nhân dịp lễ tết hay những ngày đặc biệt, mà chỉ là một cách đơn giản để con người thể hiện tình cảm với nhau. Tặng quà là một truyền thống thú vị và được yêu thích trong nền văn hóa của quốc gia này.
Tuy nhiên, tặng quà đối với người Nhật không chỉ đơn giản là sự cho và nhận mà còn là cả một nghệ thuật. Trong văn hóa tặng quà, ngoài nội dung và ý nghĩa món quà, người Nhật còn đặc biệt chú ý tới cách thức gói và trang trí quà.
Qua cách gói, trang trí món quà, người tặng thể hiện sự khéo léo, sự quan tâm hay coi trọng món quà mà người đó mang tặng. Nó thể hiện tình cảm, tính cách của người tặng và đem lại cho họ một món quà thật sự ý nghĩa.
Có hai cách cơ bản để gói quà: gói quà bằng vải và gói quà bằng giấy.
Cách thứ nhất, xuất hiện vào triều đại Nara, Furoshiki – Nghệ thuật gói quà bằng vải được biết đến như một nét văn hóa truyền thống của đất nước mặt trời mọc.
Những món quà được gói trong vải, cùng với họa tiết trang trí như là một lời cầu chúc của người tặng gửi đến người nhận. Mỗi họa tiết lại mang một lời chúc khác nhau…
Họa tiết Cá chép vượt Vũ môn là biểu tượng cho lòng kiên trì, bền chí, sự thành đạt và thăng tiến công danh. Họa tiết Chim ưng và bão biển được dùng trong gói quà mừng gia chủ sinh con trai với lời chúc mong ước cậu bé sẽ có lòng quả cảm.
Họa tiết Vụ mùa bội thu biểu thị mong ước sự sung túc, đông con nhiều cháu, thường được dùng gói quà trong dịp lễ tết. Họa tiết Châu báu tượng trưng cho hạnh phúc và thịnh vượng, bao gồm hình “bảy kho báu”, áo choàng kỳ diệu, ví tiền, mô típ cây đinh hương và ngọc. Tấm vải hình rễ cỏ đan xen vào nhau biểu tượng cho hạnh phúc lâu dài, bền chặt.
Cách thứ hai là gói quà bằng giấy được trang trí rất công phu, cột thắt bằng sợi dây hai màu đã được tẩy tịnh gọi là Mizu-hiki, và đính kèm theo đó là Noshi.
Mizu-hiki là điều tạo nên nét đặc biệt của món quà. Nó khiến món quà trở nên sinh động và đẹp đẽ hơn, cũng nhấn mạnh thêm sự chu đáo quan tâm của người tặng đối với người nhận.
Như từ xa xưa ông cha ta cũng đã có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, nghệ thuật gói quà của người Nhật Bản tuy vô cùng tài hoa và tinh tế và đáng để chiêm ngưỡng nhưng ngay ở đó cũng có ít nhiều sự giao thoa và tương đồng về nếp nghĩ về quà tặng của người Việt Nam.
Mong rằng, Quý khách sẽ cho đi và nhận lại được thật nhiều món quà ý nghĩa trong đời!
Nguồn: Tour Nhật Hàn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét